Trong đó, các vụ lừa đảo với thủ đoạn “giao nhiệm vụ chuyển tiền” chiếm đoạt khoảng 8,25 tỉ đồng, chiếm tỉ lệ lên đến 75%; bị hại là nữ giới chiếm tỉ lệ 75%, độ tuổi chủ yếu từ 30 – 50 tuổi. Các bị hại tập trung tại các địa phương: TP. Đông Hà; các huyện Cam Lộ, Vĩnh Linh, Gio Linh.
Người dân cần cẩn trọng trước những thủ đoạn của các đối tượng lừa đảo chiếm đoạt tài sản trên không gian mạng - Ảnh: ST
Thủ đoạn lừa đảo của các đối tượng thường là thông qua mạng xã hội Facebook, Zalo; các video quảng cáo đính kèm trên nền tảng Tiktok, Facebook, Youtube; các ứng dụng chạy trên điện thoại hệ điều hành Android; IOS (quảng cáo ads) hoặc gọi điện trực tiếp, tư vấn cho bị hại về công việc làm thêm tại nhà, kiếm tiền online.
Khi bị hại “cắn câu” vì tò mò và muốn có thêm thu nhập ngoài công việc chính thì các đối tượng này mời bị hại vào các nhóm Zalo, Telegram, website hoặc tải các app trên điện thoại thông minh đồng thời hướng dẫn cách kiếm tiền từ một số công việc như like, share bài viết, video trên các mạng xã hội, nhiệm vụ bán hàng, đặt đơn hàng Shopee, Tiki, thực hiện nhiệm vụ chuyển tiền đến số tài khoản chỉ định để hưởng hoa hồng...
Để tạo sự tin tưởng cho bị hại, chúng tạo các tài khoản “chim mồi” tham gia trong các hội nhóm với vai trò người tham gia như bị hại. Các tài khoản này đăng trong nhóm khoe các nhiệm vụ thành công, đăng hình ảnh đã nhận được tiền chuyển về với số lượng lớn, tham gia tranh cướp nhiệm vụ và thực hiện nhiều chiêu trò khác nhằm tác động đến tâm lý của bị hại, làm cho bị hại tin tưởng việc làm online kiếm tiền này đã có người thành công, không còn nghi ngờ nữa.
Ngoài ra, các nhiệm vụ đầu tiên chúng giao cho các bị hại là các nhiệm vụ có lượng tiền nhỏ khoảng vài chục ngàn đồng lên đến vài triệu đồng và chuyển trả đầy đủ tiền gốc, tiền hoa hồng đã thỏa thuận cho bị hại để tạo niềm tin, sự hưng phấn cho bị hại.
Khi nhận thấy bị hại đã “say” trong việc làm nhiệm vụ kiếm tiền hoa hồng, chúng giao cho bị hại các đơn có giá trị lớn dần từ vài triệu đến vài chục triệu đồng, đồng thời đưa ra các lý do không chuyển trả tiền gốc và tiền hoa hồng cho bị hại như: yêu cầu rút tiền bị lỗi, có người trong nhóm làm sai yêu cầu, phải làm đủ số nhiệm vụ mới được rút tiền... rồi yêu cầu các bị hại làm thêm nhiệm vụ chuyển tiền khác với số tiền ngày càng lớn.
Các đối tượng này cũng đe dọa nếu không làm nhiệm vụ tiếp thì sẽ mất toàn bộ số tiền gốc và tiền hoa hồng đã chuyển vào trước đó. Lúc này, mặc dù các bị hại đã bắt đầu nhận ra đây có thể là chiêu trò lừa đảo, tuy nhiên vì tâm lý sợ bị mất toàn bộ số tiền đã chuyển trước đó cùng với việc các đối tượng tiếp tục gieo hy vọng về việc sẽ nhận được toàn bộ số tiền gốc lẫn tiền hoa hồng sau khi thực hiện xong các yêu cầu của đối tượng nên nhiều bị hại vẫn tiếp tục chuyển tiền nhiều lần với số tiền càng ngày càng lớn. Có những bị hại đã chuyển cho đối tượng lừa đảo tổng số tiền lên đến gần 2 tỉ đồng.
Đây là hình thức lừa đảo khá tinh vi trên không gian mạng, mới xuất hiện trên địa bàn Quảng Trị. Người dân cần nâng cao cảnh giác để không trở thành nạn nhân của kẻ lừa đảo.