Bãi tắm Cửa Tùng nằm về phía đông bắc tỉnh Quảng Trị, cách trung tâm tỉnh khoảng 35 km. Đầu thế kỷ 20, đây là một trong những địa điểm nghỉ dưỡng hàng đầu của người Pháp ở miền Trung.
Bãi tắm được người Pháp đánh giá là "Nữ hoàng các bãi tắm" do bờ cát trắng mịn, dài và thoải, cộng với cảnh quan hoang sơ.
Bức ảnh cũ do nghệ sĩ nhiếp ảnh Hồ Thanh Thoan chụp vào những năm 1985-1990. Bấy giờ, bãi tắm còn giữ được nét quyến rũ, là lựa chọn hàng đầu của người dân và du khách khi đến với Quảng Trị. Hai bức ảnh nhìn từ phía nam bãi tắm.
Bãi tắm hình cánh cung với cát mịn, trắng xóa. Thời hoàng kim, bãi dài gần một km, bờ cát rộng 25-30 m, ra xa đến 100 m nước vẫn còn ngang ngực. Phía trong là đồi đất đỏ với hàng phi lao xanh.
Phía bắc của bãi tắm Cửa Tùng có một bãi đá rộng. Khu vực này cũng là bến cá, nơi tập trung tàu thuyền đánh bắt gần bờ.
Từ năm 2003 trở lại đây, tỉnh xây dựng nhiều công trình ở cửa sông Bến Hải gồm đê kè chắn sóng phía bắc và nam, cảng cá Cửa Tùng, cầu Cửa Tùng... khiến dòng chảy thay đổi, bãi tắm Cửa Tùng bị xâm thực, cát dần bị cuốn trôi.
Cát ở bãi tắm dần trở nên thô, hạt to vàng, dốc đứng, nước biển đánh sát vào đến bờ kè.
Ngư dân trở về sau một chuyến đánh bắt. Nghệ sĩ Hồ Thanh Thoan cho hay các bức ảnh cũ này chụp bằng máy phim, được ông sáng tác giai đoạn từ 1985 đến trước thời điểm bãi tắm bị xâm thực. "Hồi đó bãi tắm rất đẹp", ông Thoan nhớ lại.
Cuối tháng 10, tỉnh Quảng Trị tổ chức hội thảo, mời nhiều nhà khoa học, nhà nghiên cứu hiến kế khôi phục bãi tắm Cửa Tùng.
Trong ảnh là hai bờ kè nam (phía dưới) và bắc, chính giữa là cửa sông Bến Hải. Ngay sát bờ kè phía bắc là bãi tắm Cửa Tùng hình cánh cung. Việc xây dựng bờ kè nhằm ngăn cát bồi lấp cửa biển, tạo thuận lợi cho tàu cá ra vào.
Bờ kè phía nam dài 430 m, phía bắc dài 150 m, chạy song song với nhau.
Bờ kè phía nam sông Bến Hải đã ngăn dòng bùn cát cuốn từ phía nam lên bãi tắm. Do mất lượng bùn cát bổ sung hàng năm, bãi tắm Cửa Tùng dần bị cuốn mất cát trắng mịn.
Theo nghiên cứu của thạc sĩ Nguyễn Thái Sơn và Ngô Quang Đỉnh (Viện Địa lý), khu vực phía nam bờ kè, từ năm 2004 đến 2012, có sự bồi lắng bùn cát rộng 200 m từ cao trình 3 m ra đến độ sâu -2 m.
Cát từ phía nam (bên phải) bị sóng đánh vào bờ, vượt qua bờ kè rồi tràn vào cửa sông Bến Hải.
Theo các nhà khoa học, nếu không có bờ kè phía nam thì lượng bùn cát theo dòng chảy sẽ bổ sung cho bãi tắm Cửa Tùng, tuy nhiên cũng gây bồi lấp cửa sông, khó khăn cho thoát lũ và giao thông thủy.
Bãi tắm mất đi vẻ đẹp, hàng quán ở khu vực này trở nên đìu hiu. Huyện Vĩnh Linh đang giải tỏa các hàng quán, trả lại mặt tiền của biển và quy hoạch lại khu vực này.
Các nhà khoa học đề xuất giải pháp nuôi bãi, lấy nguồn cát trắng phía nam cửa sông Bến Hải đổ ở bãi tắm Cửa Tùng với khối lượng 200.000-300.000 m3, kết hợp làm đê chắn sóng ngầm ngoài khơi, dài 100-150 m, cách bờ khoảng 200 m. Việc tính toán để thay đổi độ dài của hai bờ kè cũng được nêu ra.
Bãi tắm Cửa Tùng hiện chỉ có số ít người dân địa phương đến tham quan, chụp ảnh, còn bờ kè thu hút nhiều người đến câu cá. Bức ảnh cũ chụp năm 1990, tỉnh Quảng Trị lựa chọn bãi tắm Cửa Tùng để tổ chức hội trại học sinh toàn tỉnh.
Ông Hà Sĩ Đồng, Phó chủ tịch tỉnh, cho hay các kiến nghị này có ý nghĩa quan trọng giúp Quảng Trị tháo gỡ vướng mắc trong quá trình khắc phục xâm thực bãi tắm Cửa Tùng, từ đó tìm ra giải pháp tối ưu khôi phục.