Từng mãi loay hoay với cây lúa, gia đình anh Sự cũng như bao hộ nông dân khác, vẫn luôn trăn trở về một hướng đi mới khấm khá hơn cho tương lai của mình. Năm 2017, anh quyết định đầu tư vốn mở cơ sở kinh doanh thức ăn gia súc để cung cấp cho bà con trong làng và kết hợp chăn nuôi tăng thu nhập cho gia đình. Bước đầu làm ăn có hiệu quả, cộng với địa phương khuyến khích tạo điều kiện, cuối năm 2018, anh đã xin chính quyền cấp hơn 1 héc-ta đất ở vùng rú cát Hải Thượng, nơi xa khu dân cư để thực hiện những dự định ấp ủ bấy lâu về một mô hình trang trại chăn nuôi tổng hợp trên quy mô lớn. Để thực hiện kế hoạch dài hơi này, anh đã gom góp vốn liếng của gia đình và tận dụng nguồn vốn ưu đãi của ngân hàng, kết hợp với sự hỗ trợ của một số ban ngành, nhất là Hội nông dân huyện Hải Lăng để mạnh dạn đầu tư trên 2 tỉ đồng vào xây dựng chuồng trại, con giống và thức ăn. Ban đầu, với phương châm “lấy ngắn, nuôi dài”, anh chỉ tập trung đầu tư vào gà, vịt lấy thịt và nuôi lợn thương phẩm. Mỗi năm anh nuôi 3 lứa gà thả, mỗi lứa 500 con và một lứa vịt trên 2000 con, kết hợp với vài chục con lợn. Khi đã có một chút lợi nhuận, anh bàn với gia đình tận dụng quỹ đất để đào ao nuôi cá, đồng thời mở rộng quy mô chuồng trại để phát triển chăn nuôi lợn nái và lợn thịt. Tuy nhiên, do dịch bệnh thường xuyên, nhất là dịch tả lợn châu Phi những năm gần đây diễn biến vô cùng phức tạp nên năm 2019, gia đình anh đã bị thiệt hại lên đến 1 tỉ đồng. Mặc dù vậy, với ý chí vươn lên làm giàu, anh Phan Khắc Sự đã không hề nản chí mà quyết tâm làm lại từ đầu. Rút kinh nghiệm sau 1 năm làm ăn tay trắng, anh Sự lại tiếp tục nâng cấp chuồng trại và đầu tư vào nguồn con giống có chọn lọc hơn.
Trang trại chăn nuôi tổng hơp của anh Phan khắc sự ở xã Hải Thượng
Nhận thấy được ý chí vươn lên làm giàu và triển vọng phát triển kinh tế địa phương của cơ sở này, năm 2021, Trung tâm khuyến nông Tỉnh đã hỗ trợ trang trại của anh 42 con lợn giống nhập ngoại và nguồn thức ăn hữu cơ, nhằm phát triển hướng chăn nuôi đảm bảo an toàn sinh học. Nhờ có sự hỗ trợ từ các cán bộ Thú y về nhiệt độ, ánh sáng chuồng trại và công tác phòng dịch, chỉ sau 3 năm lập nghiệp trên cái xứ khô cằn, xưa nay chỉ hợp với cây keo, cây tràm này, tổng đàn hiện nay của anh đã lên đến hơn 100 con lợn nạc, mỗi năm xuất đàn hai lứa. Từ 42 con giống đầu tiên, đến nay anh cung cấp ra thị trường hàng trăm con lợn giống hữu cơ. Đồng thời, mỗi năm anh xuất chuồng trên 2,5 tấn gà thả và hơn 2 nghìn con vịt, chưa kể ngân thu từ 2 hồ nuôi cá.
Anh Sự chia sẻ một cách đầy phấn khởi: “Trong năm 2020 và 2021 do biến động giá cả thị trường, giá thịt lợn hơi bị rớt thường xuyên nên lãi mỗi năm chỉ đạt trên 200-300 triệu đồng mỗi năm. Tuy nhiên, từ cuối năm 2021 đến nay, giá cả ổn định trở lại, tính từ đầu năm 2022 đến nay, tôi đã thu lãi được trên 1 tỉ đồng.”
Tâm sự với chúng tôi về những điều còn trăn trở của mình, anh Sự mong muốn giá cả thị trường của gia súc, gia cầm tiêu thụ luôn được ổn định. Đặc biệt là để mô hình chăn nuôi hữu cơ đem lại hiệu quả cao nhất và lan rộng trong toàn địa phương, những người nông dân như anh rất cần sự trợ lực của nhà nước về nguồn vốn để mạnh dạn mở rộng đầu tư và phát triển quy mô chăn nuôi. Được biết, trang trại của anh Phan Khắc Sự hiện nay đang tạo việc làm thường xuyên cho 3-5 người với mức thu nhập ổn định.
Chia tay với anh nông dân vượt khó làm giàu trên vùng đất cát khô cằn Hải Lăng trong cái nắng tháng Tám gay gắt, chúng tôi mang theo mình những trân quý về một tấm gương về ý chí dám nghĩ, dám làm và niềm vui về một vụ mùa chăn nuôi bội thu mà người nông dân này vừa gặt hái được.